Lịch sử gia tộc Grosvenor Công_tước_xứ_Westminster

Richard Grosvenor được trao tước hiệu Nam tước xứ Eaton vào tháng 01 năm 1622. Richard Grosvenor, Nam tước thứ 7, được trao thêm tước vị Nam tước xứ Grosvenor vào năm 1761,[3] và năm 1784, dưới thời Vua George III ông được trao danh hiệu Tử tước xứ Belgrave (Belgrave, Cheshire) và Bá tước xứ Grosvenor. Tước hiệu Hầu tước xứ Westminster được ban cho Robert Grosvenor, Bá tước Grosvenor thứ 2, vào lễ đăng quang của Vua William IV vào năm 1831.

Các tước hiệu phụ của Công tước bao gồm: Hầu tước xứ Westminster (được tạo ra năm 1831), Bá tước xứ Grosvenor (1784), Tử tước xứ Belgrave, của Belgrave ở hạt Chester (1784) , và Nam tước xứ Grosvenor, của Eaton ở hạt Chester (1761). Công tước và Hầu tước đều thuộc Đẳng cấp quý tộc Vương quốc Liên hiệp Anh; những tước hiệu còn lại thuộc về Đẳng cấp quý tộc Đại Anh. Tước hiệu lịch sự của con trai cả và người thừa kế Công tước là Bá tước xứ Grosvenor.

Gia tộc giàu có nhất nước Anh

Công tước Westminster và người nhà được xem là gia đình quý tộc giàu có nhất nước Anh và một trong những gia tộc giàu có nhất thế giới, với tổng khối tài sản lên đến 13 tỷ USD, họ sở hữu Tập đoàn Grosvenor, tên gọi của tập đoàn được đặt theo tên gia tộc của công tước. Công tước hiện tại là Hugh Grosvenor, Công tước thứ 7 của Westminster, thừa kế khối tài sản lên đến 9 tỷ Bảng Anh từ cha mình là Công tước thứ 6, nghiễm nhiên trở thành người giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi.[4]

Khối tài sản to lớn của gia tộc Grosvenor có lẽ bắt đầu được mở rộng ra từ thời vị Công tước đầu tiên là Hugh Lupus Grosvenor, ông phát triển các bất động sản, nuôi ngựa và tham gia vào các cuộc đua ngựa. Ông đã phát triển giống ngựa tại Eaton Hall và đạt được nhiều thành quả ngoài mong đợi. Grosvenor cũng quan tâm đến các tổ chức từ thiện và hoạt động từ thiện. Khi qua đời, ông được coi là người giàu nhất nước Anh.